Từ chối Facebook với lời đề nghị hấp dẫn 3 tỷ USD, Snapchat trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm, khiến cho các chuyên gia phải vào cuộc để lý giải cho sự thành công của một sản phẩm ứng dụng tưởng chừng như quá đơn giản và chẳng có gì hấp dẫn.
Snapchat là gì?
Snapchat là một ứng dụng gửi nhận tin nhắn miễn phí thông qua internet, thường được gọi với tên chung là OTT. Người dùng có thể chia sẻ thông tin, hình ảnh, video và chỉ có một (hoặc một số) bạn bè trong danh sách nhận có thể thấy chúng. Sau khi người nhận đã đọc xong thông tin gửi đến, chúng sẽ tự động biến mất, đây là điểm nổi bật của Snapchat so với các ứng dụng OTT khác.
Không có bộ lọc ảnh đẹp như Instagram, không có những tính năng đặc biệt như Facebook, giao diện đơn giản tới mức xấu so với hầu hết ứng dụng di động hiện nay, chức năng của Snapchat sơ khai đến nỗi người dùng không có nhiều việc để làm ngoài việc chụp hình, quay video, viết trạng thái, đăng lên tường cá nhân và gửi cho bạn bè.
Giữa tháng 11/2013, giới công nghệ xôn xao khi Snapchat từ chối lời đề nghị mua lại trị giá gần 3 tỷ USD của “gã khổng lồ” mạng xã hội Facebook. Số tiền này lớn hơn nhiều 1 tỷ USD mà Mark Zuckerberg chịu bỏ ra để thâu tóm dịch vụ chia sẻ hình ảnh Instagram năm 2012.
Vì sao Snapchat được lòng người dùng?
Tính cá nhân hóa tối đa
Bạn có bao giờ lo ngại khi đăng một tấm ảnh lên Facebook và ngay ngày hôm sau hốt hoảng nhận ra rằng tấm ảnh đó đã được share hàng loạt, không thể kiểm soát và inbox của bạn phải nhận một đống tin nhắn từ những người lạ? Với Snapchat, bạn sẽ không phải lo ngại về những điều đó.
Bạn có thể chụp một tấm ảnh nhạy cảm và gửi cho người yêu ngay trong cuộc họp quan trọng. Tấm ảnh sẽ biến mất sau khi người nhận đã xem xong và “bốc hơi” trên tường nhà người gửi sau 24 tiếng.
Với những lo ngại ngày càng tăng về thông tin người dùng trên Facebook, Snapchat là một giải pháp tốt và đơn giản cho những lúc người dùng cần chút “nổi loạn” nhưng lại lo sợ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân. Khi gửi thông tin qua Snapchat, bạn có thể gần như thoải mái đăng tải mà không cần phải suy nghĩ nhiều.
Khả năng làm tăng độ tham gia của người dùng đối với mạng xã hội (Strong social engagement Loop)
Khi một bức ảnh/ video được chia sẻ, người dùng trong danh sách nhận ngay lập tức được thông báo trong thời gian nhanh nhất với tốc độ tốt hơn nhiều so với Instagram. Lý giải cho một phần nguyên nhân trên có thể là vì Snapchat không nặng về mặt dữ liệu do dữ liệu trên tường của người dùng sẽ luôn được xóa sau 24 giờ đăng tải lên.
Đơn giản đến mức ai cũng hiểu
Thiết kế của Snapchat đơn giản đến mức bất kì người sử dụng nào từ vùng văn hóa, quốc tịch, ngôn ngữ bất kỳ cũng có thể hiểu được cách sử dụng ngay lần đầu tiên. Khi bạn mở giao diện của Snapchat lên, lập tức một camera được kích hoạt và chỉ với vài click, bạn đã có thể chia sẻ trải nghiệm của mình với người dùng khác.
Tiết kiệm thời gian
Người trẻ càng ngày càng không có nhiều thời gian để nói những cuộc điện thoại dài hoặc trao đổi qua trạng thái Facebook. Một bức ảnh giá trị bằng cả ngàn câu chữ. Chia sẻ bằng ảnh là cách nhanh nhất để biết được tình hình của bạn bè, người thân với ít công sức phải bỏ ra nhất. Snapchat đáp ứng được điều này khi giúp người dùng có thể liên tục cập nhật được thông tin về nhau qua những tấm ảnh được chụp ngẫu hứng trong ngày và liên tục.
Mô hình kinh doanh của Snapchat vẫn còn là dấu hỏi
Đa phần các mạng xã hội trên thế giới đều có mô hình kinh doanh dựa trên việc phân tích hành vi người dùng để bán quảng cáo như Google, Facebook... Câu hỏi đặt ra ở đây về việc Snapchat không lưu trữ lại dữ liệu của người dùng, từ đó dẫn tới việc không thể bán quảng cáo như những mạng xã hội thông thường khác. Vậy Snapchat sẽ sản sinh lợi nhuận bằng cách nào? Có lẽ chúng ta vẫn phải chờ đợi câu trả lời trong một tương lai xa khi hiện tại lợi nhuận của Snapchat vẫn là con số "0" bất chấp lượng người dùng khổng lồ của nó.
Tổng hợp action, Biên tập Tuấn Anh
Tìm hiểu ứng dụng OTT trị giá 3 tỷ USD đủ sức khiến Facebook "khiếp sợ"
4/
5
Oleh
Unknown